11 April, 2012

Kinh tế VN từ 2008 đến nay

 GIỚI THIỆU

Phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô luôn là mục tiêu hàng đầu của mỗi nền kinh tế và đó là một quá trình lâu dài. Trong quá trình phát triển kinh tế, vai trò của chính phủ là vô cùng to lớn, mỗi quyết định của chính phủ có thể vực dậy nền  kinh tế một cách mạnh mẽ nhưng cũng có thể đưa đất nước đến bờ vực của sự sụp đổ.

Năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập sân chơi chung WTO, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ. Vừa hội nhập nền kinh tế thế giới, Chính Phủ Việt Nam đã đặt ra cho nền kinh tế vô vàn mục tiêu to lớn và quyết tâm thực hiện tham vọng đã đề ra.Nhưng vì quá chú trọng đến mục tiêu tăng  trưởng nhanh , chúng ta đã phải trả giá, Chính phủ đã đẩy Việt Nam vào một vòng xoáy lạm phát – suy thoái – tăng trưởng, với bao sóng gió và bất ổn.
Giai đoạn 2008 – nay có thể coi là giai đoạn sóng gió nhất, là thử thách đâu tiên sau khi Việt Nam chính  thức hội nhập. Bài thảo luận này sẽ mang đến cho các bạn một cái nhìn tương đối tổng quát về nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2008 – nay. Hơn thế nữa, qua bài thảo luận, các bạn có thể tự củng cố được kiến thức kinh tế vĩ mô, xem xét tác động của những chính sách vĩ mô  đến sự chuyển biến của nền kinh tế. 

Bài thảo luận gồm 5 phần chính:
-         Quyết định đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, khởi nguồn sóng gió của nền kinh tế Việt Nam
-         2008 – cỗ xe kinh tế bị thắng gấp và những bất ổn của nền kinh tế Việt Nam
-         2009 -  cỗ xe kinh tế một lần nữa tăng tốc đột ngột với 2 gói kích cầu liên tiếp
-         2010– nền kinh tế hồi phục nhưng bóng mây lạm phát bắt đầu xuất hiện bao phủ nền kinh tế
-         Kinh tế Việt Nam 2011 và bài toán lớn :” LẠM PHÁT”
I.   Quyết định đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, khởi nguồn sóng gió của nền kinh tế Việt Nam

Tốc độ tăng GDP và lạm phát ở các nước Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ, 2002-2007
Quốc gia
GDP 2007 (tỷ USD)
GDP đầu người năm 2007 (USD)
Bình quân năm  2002-2007
2002
2003
2004
2005
2006
2007



Tốc độ tăng GDP
Tốc độ lạm phát năm tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Brunei
     12
31,759
1.7
-2.3
0.3
0.9
1.2
0.1
0.3
Cambodia
       9
     598
11.4
3.2
0.3
3.9
5.8
4.7
-
Indonesia
   433
  1,869
5.5
11.9
6.8
6.1
10.5
13.1
6.4
Lào
       4
     711
6.9
10.2
16.0
10.8
6.8
7.3
-
Malaysia
   187
  7,027
6.0
1.8
1.1
1.4
3.1
3.6
2.0
Myanmar
     19
     379
5.4
57.1
36.6
4.5
10.5
18.9
34.6
Philippines
   144
  1,639
5.5
3.0
3.5
6.0
7.6
6.3
2.8
Singapore
   161
36,370
7.1
-0.4
0.5
1.7
0.5
1.0
2.1
Thailand
   245
  3,841
5.6
0.6
1.8
2.8
4.5
4.6
2.2
Viet Nam
     71
     815
8.1
3.9
3.2
7.8
8.4
7.4
8.3
Ấn Độ
1,141
     976
6.8
4.3
3.8
3.8
4.2
6.2
6.3

Trung Quốc
3,400
  2,604
8.8
-0.8
1.2
3.9
1.8
1.5
4.8
Nguồn: Số liệu GDP và CPI ở các nước Đông Nam Á là từ ASEAN Secretariat, nhưng CPI của Việt Nam là số liệuđã điều chỉnh lại củaTổng cục Thống kê Việt Nam. Số liệu GDP bình quân đầu người, GDP bằng USD là từ Cục Thống kê LHQ. CPI của TQ và Ấn Độ là từ Asian Development Bank (ADB).

Giai đoạn  2002 – 2007 là thời kỳ hoàng kim của nền kinh tế Việt Nam, lạm phát luôn được duy trì ở mức thấp, tốc độ tăng trưởng  kinh tế ổn định và được giữu vững ở mức trên 6 %. Chính những sự ổn định về tăng trưởng  kinh tế đó tạo niềm tin to lớn cho chính phủ với tham vọng tăng tốc cố xe kinh tế hơn nữa. Năm 2007, với những kỳ vọng lớn đối với kinh tế Việt Nam, chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng 9% cho năm 2007, phấn đầu hoàn thành nhiều chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 ngay trong năm 2008 trong đó có mục tiêu nâng thu nhập bình quân nên mức 1000USD, đưa Việt Nam trờ thành quốc gia có thu nhập trung bình, và mục tiêu này đã chi phối toàn bộ các chính sách về kinh tế năm 2007, bắt đầu cho một giai đoạn bất ổn của nền kinh tế Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Và với việc sử dụng rất nhiều công cụ nhằm kích thích sự phát triển kinh tế trong nước, như tăng đầu tư công chiếm tới 40% GDP, đặc biệt chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông… tăng mạnh mức cung tiền(2004 – 2007 mức cung tiền đã tăng gấp đôi) cùng sự tham gia vào  sân chơi chung WTO VN đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
-                     Tốc độ tăng trưởng kinh tế 2007 đạt 8,44% đúng thứ  3 châu Á, (sau Trung Quốc: 11,3% và Ấn Độ khoảng: 9%)
-                     Tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2007 của nước ta đạt 20,3 tỉ USD là mức cao nhất từ trước đến nay.
-                     Vốn đầu tư thực hiện năm 2007 ước đạt 5,1 tỉ USD, tăng 1,2 tỉ USD (30,7%) so năm 2006 (39,56 tỉ USD).
-                     Cùng với tăng vốn FDI, lượng kiều hối đổ về Việt Nam tiếp tục tăng cao, cả năm 2007, lượng kiều hối của người Việt Nam ở nước ngoài gửi về qua kênh chính thức đạt 5,5 tỉ USD so với mức 4,7 tỉ USD năm 2006 và gấp 157 lần năm 2001


Từ năm 2004 đến năm 2007, cung tiền tăng hơn 2 lần, trong khi đó GDP thực tế chỉ tăng hơn 1 lần. Điều này tất yếu dẫn đến đồng tiền bị mất giá, tỉ lệ lạm phát tăng chóng mặt. Nguyên nhân là do tỷ lệ đầu tư/GDP trong nền kinh tế Việt Nam khá cao, nhưng lại không tạo ra được một tốc độ tăng trưởng kinh tế tương ứng.

Tuy nhiên, sự phát triển nóng của nền kinh tế đã gây ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong nền kinh tế việt nam. Cơ sở hạ tầng và trình độ quản lý ở VN chưa đáp ứng được nhu cầu cho phát triển kinh tế, tỷ lệ đầu tư/GDP trong nền kinh tế Việt Nam khá cao, nhưng lại không tạo ra được tốc độ tăng trưởng kinh tế tương ứng. Hàng năm, đầu tư trong nền kinh tế đều quanh mức 40% GDP. Tỷ lệ đầu tư lớn này đòi hỏi một mức tăng trưởng tín dụng và cung tiền cao để phục vụ nhu cầu đầu tư. Trong khi đó, tăng trưởng GDP chỉ dừng lại ở mức 8,44%. Chính những sự lãng phí nguồn lực lớn và sự phát triền quá nhanh, bỏ qua những yếu tố bất ổn, còn  tồn tại trong nền kinh tế  đã khởi nguồn cho sự bất ổn của nền kinh tế từ 2008 đến nay.

II.   2008 – cỗ xe kinh tế bị thắng gấp và những bất ổn của nền kinh tế Việt Nam
Kinh tế Việt Nam năm 2008 sẽ đi vào lịch sử như một năm có nhiều biến động gay go nhưng cuối cùng đã “hạ cánh mềm”. Có thể chia năm 2008 về mặt kinh tế ra ba giai đoạn, mỗi giai đoạn có đặc trưng về mục tiêu và chính sách kinh tế khá rõ nét.
Giai đoạn 1: cỗ xe kinh tế phi nước đại và ủ bệnh
Từ cuối năm 2007, trong giai đoạn chuẩn bị và thông qua kế hoạch kinh tế xã hội năm 2008, đến tháng 3-2008, chính sách kinh tế được chi phối bởi mục tiêu tăng trưởng GDP 9%, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm năm sớm (chỉ trong ba năm), vượt ngưỡng nước có thu nhập trung bình ngay trong năm 2008...
Mặc dù đã có những cảnh báo sớm từ cuối năm 2007 về chất lượng tăng trưởng thấp, chất lượng cuộc sống của người dân bị giảm sút, song quyết tâm của Chính phủ rõ ràng là phải đạt được những thành tựu ấn tượng, vượt lên trên tất cả các thời kỳ trước đây. Vì thế, một loạt chính sách về kinh tế được điều tiết khá “lỏng” và dễ dàng nhằm khuyến khích sự đầu tư tối đa của khu vực ngoài nhà nước vào phát triển kinh tế.
Ý chí và mục tiêu đó được sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế và các nhà ngoại giao qua những lời ca tụng không ngớt về những thành tựu nổi bật của Việt Nam, về vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế (thành viên WTO, lần đầu tiên được bầu là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc...) và về dòng vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp và gián tiếp ào ạt đổ vào trong nước.
Trước những thay đổi mạnh mẽ về luồng vốn, tác động từ bên ngoài như vậy, lẽ ra phải thực hiện ngay những cải cách cơ cấu và thể chế cần thiết để nâng cao năng lực giám sát, quản lý các lĩnh vực trọng yếu như ngân hàng, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách hành chính theo hướng mở rộng công khai minh bạch, mở rộng sự tham gia giám sát của các nhà khoa học, hiệp hội chuyên môn trong quá trình chuẩn bị quyết định, soạn thảo chính sách.
Song, trên thực tế Chính phủ đã dồn dập triển khai các biện pháp và các công trình để đạt các mục tiêu đề ra: việc phân cấp (về nguyên tắc là đúng đắn và cần thiết) quá mức cho chính quyền địa phương cấp tỉnh về đầu tư (trong nước và ngoài nước), việc cấp đất, mở khu công nghiệp... đã tạo ra những chồng chéo và dư thừa đáng lo ngại về quá nhiều công trình đầu tư vào sân golf, bất động sản, nhà máy thép, nhà máy lọc dầu lớn nhỏ.
Hệ quả là bên cạnh sự năng động và tăng nhanh về số lượng, các quyết định hàng tỉ đô la Mỹ ở các địa phương,  tập đoàn kinh tế, liên quan đến năng lượng, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực ở tầm kinh tế quốc dân, rất hệ trọng cho quốc kế dân sinh đã được quyết định một cách nhanh chóng, thiếu sự thẩm định cần thiết của các chuyên gia, hội đồng thẩm định có chuyên môn ở các bộ, ngành và thiếu sự tham gia của các tổ chức quần chúng.
Trong thời gian ngắn đã có trên 200 trường đại học và cao đẳng được thành lập là một trường hợp cũng nằm trong xu hướng này. Tình trạng này đã nhanh chóng làm trầm trọng thêm những mất cân đối về điện, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực...
Việc mở rộng thủ đô Hà Nội - đòi hỏi một lượng vốn đầu tư khổng lồ và năng lực quản lý đô thị rất cao - gây nhiều tranh cãi, cuối cùng cũng đã được thông qua trong bối cảnh lạm phát cao và nền kinh tế đang đối mặt với nhiều mất cân đối.
Các tập đoàn kinh tế nhà nước vốn được lập như là một thí điểm (thiếu khung pháp lý hoàn chỉnh trong một thời gian quá dài) đã nhanh chóng tranh thủ sự lỏng lẻo về giám sát và quản lý của các cơ quan nhà nước để đồng loạt “làm thật”: đa dạng hóa đầu tư sang các lĩnh vực “thời thượng” như chứng khoán, đầu tư tài chính, bất động sản, thậm chí cả tham gia lập các ngân hàng thương mại.
Chưa bao giờ trong một thời gian ngắn các tập đoàn lại đua nhau thành lập nhiều công ty con, công ty cháu, công ty liên kết nhanh đến như vậy. Tương tự, các công ty đầu tư tài chính, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán cũng xuất hiện một cách ồ ạt như thế.
Báo chí hàng ngày đưa tin về những công trình thế kỷ lớn, nhỏ mới được ký kết hoặc khởi công, những phi vụ mua sắm kỷ lục máy móc, trang thiết bị được mô tả như bản thân việc mua sắm đã là một thành công kinh tế lớn rồi. Trong không khí phấn khích chung đó, tiêu dùng cá nhân cũng bùng phát với việc nhập khẩu máy bay, ô tô sang trọng.
Điều tất yếu phải đến đã đến là cung tín dụng tiếp tục tăng trên 50%, lạm phát tăng vọt lên 25%, nhập siêu vượt quá mức an toàn, thị trường chứng khoán sụt giảm kỷ lục, bong bóng thị trường bất động sản bị vỡ, hay theo lời một bộ trưởng là những diễn biến đáng “giật mình”. Lạm phát năm 2008 không nhừng tăng cao, và có nguy cơ vượt mức 20%.
Giai đoạn 2: cỗ xe kinh tế bị thắng gấp và phát bệnh
Từ tháng 3-2008, nhận thấy nguy cơ bong bóng kinh tế bị xì hơi, Chính phủ đã đột ngột đổi chiều, cỗ xe kinh tế đang phi nước đại bị thắng gấp bằng tất cả các phương tiện kỹ thuật cho phép nhằm mục tiêu ưu tiên mới là kiềm chế lạm phát. Mục tiêu tăng trưởng  kinh tế 8,5 – 9% được chính phủ đột ngột điều chỉnh xuống còn 7%.
Ngày 17/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP, đề ra 8 nhóm biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội tăng trưởng bền vững và yêu cầu triển khai ngay trong tháng 4 năm 2008:
Nhóm giải pháp đầu tiên, mang tính mấu chốt mà Chính phủ đưa ra là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ.
Thứ hai, Chính phủ sẽ điều chỉnh chính sách tài khóa theo hướng kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả chi tiêu công gồm tăng thu ngân sách vượt dự toán, giảm chi phí hành chính.
Thứ ba, tập trung sức phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, bảo đảm cân đối cung cầu về hàng hóa.
Thứ tư, Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, giảm nhập siêu.
Thứ năm, Chính phủ kêu gọi mọi người, mọi nhà triệt để tiết kiệm tiêu dùng, nhất là nhiên liệu và năng lượng.
Thứ sáu, tăng cường công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ buôn lậu và gian lận thương mại, kiểm soát việc chấp hành pháp luật nhà nước về giá.
Thứ bảy, tăng cường các biện pháp hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, mở rộng việc thực hiện các chính sách về an sinh xã hội.
Thứ tám, các phương tiện thông tin đại chúng cần đẩy mạnh thông tin và tuyên truyền một cách chính xác, ủng hộ các chủ trương, chính sách của Nhà nước trên lĩnh vực nhạy cảm này, tránh thông tin sai sự thật có tính kích động, gây tâm lý bất an trong xã hội.
Trong đó, công cụ được chính phủ áp dụng nhất vẫn là nhóm một và nhóm hai, cụ thể là:
-        Để thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt, Lãi suất cơ bản được nâng lên, dự trữ bắt buộc với lãi suất rất thấp được áp đặt, tín phiếu bắt buộc được phân bổ, biện pháp hạn chế tín dụng “hà khắc” được áp đặt lên các ngân hàng thương mại. Lãi xuất ngân hàng lên mức cao chưa từng có, đã có lúc lãi suất lên mức đỉnh 24 - 25% /năm, lãi suất huy động cũng đạt đỉnh 20%/năm. Nhiều ngân hàng thương mại cho vay cầm chừng, doanh nghiệp vay vốn khó khăn cả về lãi suất cao lẫn khả năng tiếp cận vốn, tín dụng tiêu dùng gần như bị cắt bỏ, tốc độ tăng trưởng tín dụng bước vào vùng thấp nhất trong năm (liên tục tăng dưới 1%/tháng, cả năm ước chỉ tăng khoảng 21% thay vì mức dự kiến khống chế 30%).
-        Việc thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt cũng được thực hiện một cách vô cùng quyết liệt. tổng số công trình, dự án đình hoãn, ngừng triển khai thực hiện và giãn tiến độ thực hiện trong kế hoạch năm 2008 là 1.736 dự án, với tổng số vốn là 5.625 tỷ đồng.Trong đó, tổng số dự án điều chỉnh giảm của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 290 dự án với tổng số vốn là 4.775 tỷ đồng.
Lãi suất cơ bản được nâng lên, dự trữ bắt buộc với lãi suất rất thấp được áp đặt, tín phiếu bắt buộc được phân bổ, biện pháp hạn chế tín dụng “hà khắc” được áp đặt lên các ngân hàng thương mại, cắt giảm đầu tư... Tất cả biện pháp này gây ra gánh nặng lớn cho các ngân hàng thương mại cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Và những công cụ mà chính phủ áp dụng thực sự đã có hiệu quả rất lớn, cỗ xe kinh tế đã đi chậm lại , lạm phát đã cơ bản được kiềm chế và có xu hướng giảm. Cụ thể, lạm phát tháng 6 giảm mạnh, chỉ số CPI chỉ tăng 2,14%, là mức thấp nhất trong 6 tháng qua (T1: 2,38%; T2: 3,56%; T3: 2,99%; T4: 2,2%; T5: 3,91%).
Tuy nhiên, dường như tiêu chuẩn của hành động là cường độ của các biện pháp phải thể hiện tính quyết liệt kiềm chế lạm phát chứ không cần xét đến tác động tới kinh tế hay doanh nghiệp.  Sự áp dụng quá quyết liệt các chính sách đã gây nên những nghịch cảnh dở khóc dở cười. Vải thiều Lục Ngạn chín rụng mà không có người mua vì thiếu tín dụng, cá ba sa đồng bằng sông Cửu Long rớt giá, lúa bội thu bị ứ đọng vì mua không kịp... là những hiệu ứng phụ đã xuất hiện, gây ra không ít tổn thất cho nông dân. Hoạt động xây dựng bị đình đốn và giảm sút nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này không còn hoạt động.
Doanh nghiệp luôn đối mặt với những bất ngờ từ các phía và không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa đã không đủ sức vượt qua gánh nặng quá sức về tín dụng, lãi suất, giá cả, biến động thị trường… đã “lịm dần”. Tình huống này làm nảy nở hoạt động của các loại “cò” lớn nhỏ chạy chọt quyết định này, xin miếng đất kia...
Lần đầu tiên trong lịch sử, chỉ số giá chứng khoán giảm gần 70% trong một năm, thị trường  bất động sản đóng băng, các công trình xây dựng dở dang gây không ít ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, khoảng cách giàu nghèo ngày càng rõ ràng…
Và với những chính sách quá quyết liệt, chính phủ đã kìm hãm được cỗ xe kinh tế đang phi nước đại để lại đằng sau những vẫn đề lớn cần giải quyết.
Giai đoạn 3: tập trung chữa bệnh
Bắt đầu từ quí 3-2008 một sự cộng hưởng ngoài ý muốn giữa hiệu lực của các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu đã xuất hiện. Giá hàng loạt nguyên vật liệu trên thế giới giảm mạnh khiến tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm dần và chỉ số giá của hai tháng 10 và 11 lần lượt giảm thấp hơn tháng trước. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán sụt giảm và đầy biến động, tín dụng bị thu hẹp, số doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa đã xuống mức thấp nhất và khó có thể đạt mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa trong hai năm nữa vào năm 2010. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ của một cuổng khủng hoảng kinh tế. trước tình hình đó Ngày 11/12/2008, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế
Theo đó, Chính phủ đã đưa ra chính sách tài chính, tiền tệ tạo điều kiện thuận lợi cho các     doanh nghiệp. Cụ thể, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của quý IV năm 2008 và của năm 2009 đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Giãn thời hạn nộp TTNDN trong thời gian 9 tháng đối với TTNDN phải nộp năm 2009 của các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói trên (70% số thuế còn lại sau khi giảm) và của các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; Tạm hoàn 90% số thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hóa thực xuất khẩu trong trường hợp doanh nghiệp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng và hoàn tiếp 10% khi có chứng từ thanh toán... 
Với những nỗ lực đó, nền kinh tế VN đã ‘ hạ cánh mềm” năm 2008 với tỷ lệ tăng trưởng đạt 6,23%, thu nhập bình quân đầu người đã đạt mức trung bình, VN chính thức thoát nghèo. Tổng GDP ước đạt 88 tỷ USD chỉ tăng trưởng 6,3% trong khi lạm ở mức 23,1%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây với sự tăng giá kinh ngạc của giá xăng dầu, dầu thô, vàng và các mặt hàng xây dựng, thiết yếu khác tuy nhiên những tháng cuối năm đã phát sinh tình trạng giảm phát. Điểm sáng duy nhất trong năm có lẻ là việc thu hút được 64 tỷ USD vốn FDI và lãi suất đã giảm đáng kế.


Chỉ trong năm 2008, các chính sách chính phủ đề ra đã có sự khác biệt rõ rệt về hướng đi. Giai đoạn đầu  năm 2008, chính phủ đã dùng mọi sức mạnh của mình để thắng gấp cỗ xe kinh tế đang chạy nước đại do dư âm của các chính sách năm 2007, và chính sách đó đã phát huy tác dụng quá mức, thay vì làm bánh xe kinh tế trở lại quỹ đạo ổn định, các chính sách đó cùng với một số nguyên nhân khách quan đã khiến chính phủ phải gồng mình, dùng hết sức lực để cố giữ ổn định nền kinh tế Việt Nam trước bờ vực của một cuộc khủng hoảng đang hiển hiện trước mắt, và năm 2009 sẽ thực sự là một năm cực kỳ khó khăn của nền kinh tế Việt Nam với mục tiêu hàng đầu là tăng trưởng kinh tế.
 III. 2009 -  cỗ xe kinh tế một lần nữa tăng tốc đột ngột với 2 gói kích cầu liên tiếp
Triển vọng kinh tế năm 2009 còn khó khăn hơn năm 2008. Các khó khăn kinh tế sẽ chuyển thành các vấn nạn xã hội, vấn đề duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động sẽ trở thành nhiệm vụ hàng đầu. Việc rút ra các bài học một cách nghiêm túc từ tư tưởng chỉ đạo đến các chính sách kinh tế là rất cần thiết để vượt qua những khó khăn gấp bội trong khi lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã suy giảm rất nhiều. Tuy nhiên, mục tiêu của Việt Nam đặt ra cho năm 2009 vẫn rất tham vọng với GDP tăng 6,5%, xuất khẩu tăng 13%, đầu tư toàn xã hội đạt 39,5% GDP, lạm phát dưới 15%, thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN) 4,82% GDP….
Để thực hiện tham vọng to lớn đã đề ra, ngày 15/1/2009, Thường trực chính phủ  họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt kế hoạch sử dụng gói kích cầu đầu tiên trị giá 17.000 tỷ VNĐ ( tương đương 1 tỷ USD ) để kích thích đầu thông qua gói hỗ trợ lãi suất 4% thuộc về nhóm biện pháp kích thích chi  đầu tư đối với doanh nghiệp. Có 3 loại hình hỗ trợ lãi suất vốn vay chính: cho vay ngắn hạn, cho vay trung & dài hạn, và cho vay phục vụ nông nghiệp & làm nhà ở. Chương trình giảm, giãn thuế bao gồm: giảm, gia hạn nộp thuế thu nhập và giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa, dịch vụ. Gói kích cầu này có giá trị không lớn nhưng phần nào đã giải tỏa được cơn khát tín dụng đối với các doanh  nghiệp.

Tuy nhiên đầu năm 2009, những dư địa còn lại từ năm 2008 tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ nền kinh tế những, gói kích cầu trị giá 1 tỷ USD dường như chưa phát huy hiệu quả.  Đến hết quý I năm 2009, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 3.1% GDP so với cùng kì, xuất khẩu tăng chậm 2.4%, vốn đầu tư tăng 9% song FDI vào Việt Nam giảm tới 32%.Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm chạp.

Quyết tâm thực hiện mục tiêu đã đề ra, Ngày 12/5/2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố chính thức về gói kích cầu có giá trị 143.000 tỷ đồng (tương đương 8 tỷ USD) của Chính phủ, sau đó tăng lên 160 nghìn tỷ đồng (tương đương 9 tỷ USD). Theo đó, gói kích cầu được chia thành 8 phần có các giá trị khác nhau nhưng về bản chất, gói kích cầu năm 2009 dựa trên chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng: tăng tín dụng, giảm lãi suất , tăng chi tiêu công và giảm thuế. Cụ thể các phần của gói kích cầu này bao gồm:
       
 Chính sách tiền tệ:
             -  Hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng khoảng 17.000 tỷ đồng.
             - Tạm thu hồi vốn đầu tư xây dựng cơ bản ứng trước khoảng 3.400 tỷ đồng.
             - Phát hành thêm trái phiếu Chính phủ khoảng 20.000 tỷ đồng.
             - Tăng thêm dư nợ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp khoảng 17.000 tỷ đồng
      
  Chính sách tài khóa:
            - Ứng trước ngân sách nhà nước để thực hiện một số  dự án cấp bách khoảng
37.200 tỷ đồng.
           - Chuyển nguồn vốn đầu tư  kế hoạch năm 2008 sang năm 2009 khoảng 30.200
tỷ đồng.
           - Thực hiện chính sách giảm thuế khoảng 28.000 tỷ đồng.
         -Các khoản chi kích cầu khác nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế,  đảm bảo an
sinh xã hội khoảng 7.200 tỷ đồng.

Sau khi áp dụng 2 gói kích cầu liên tiếp, nền kinh tế đã có một số chuyển biến khá tích cực:
Việc đưa ra gói kích cầu đã ngay lập tức trấn an tâm lý các nhà đầu tư, tăng lòng tin doanh nghiệp, ngân hang vào trách nhiệm của Nhà nước trước khủng hoảng. Các doanh nghiệp được tiêp cận nguồn vốn có lãi suất thấp hơn, góp phần giảm bớt chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời một số doanh nghiệp có cơ hội mở rộng sản xuất, giảm bớt áp lực thất nghiệp, sô người thất nghiệp do đó ở đô thị không tăng. Cụ thể như sau:
Dư  nợ theo nhóm tổ chức tín dụng: Nhóm NHTM nhà nước và Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương là 274.883,94 tỷ đồng; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 108.085,31 tỷ đồng; nhóm ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 20.747,34 tỷ đồng; công ty tài chính là 8.463,24 tỷ đồng, giảm 99,62 tỷ đồng (tương đương giảm 1,16%).  Dư  nợ phân theo  đối tượng khách hàng vay vốn: Doanh nghiệp nhà nước 59.379,70 tỷ đồng; doanh nghiệp ngoài nhà nước (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài …) 287.971,90 tỷ đồng; hộ sản xuất là 64.828,23 tỷ đồng. 
Theo báo cáo cuối năm 2009 của Bộ Tài chính, ước cả năm, tổng số thuế miễn, giản, giảm khoảng 20 tỷ đồng. Đồng thời, đã tiếp tục rà soát để bãi bỏ khoảng 140 tỷđồng các khoản phí và lệ phí khác.
Trong năm 2009, chính phủ đã tăng vốn đầu tư công để kích cầu nền kinh tế. Cụ thể, ứng trước 31.393 tỷ đồng vốn ngân sách cho các bộ, cơquan Trung  ương, các  địa phương,  ước cả  năm 2009 giải ngân  được khoảng 80-85% vốn ứng trước.
           Gói kích cầu đưa ra đã có những hiệu ứng tích cực ngay trong quý II và III năm 2009. GDP quý II tăng 4.5% và quý III tăng 5.8%, nâng tốc độ tăng GDP trong 9 tháng đầu năm 2009 tăng 4.6%so với cùng kì năm 2008, GDP tăng 5,3% trong năm 2009 trong đó quý IV  đã đạt mức 6,9%
           Nhờ có gói kích cầu đã thúc đẩy xuất khẩu cả năm đạt 56.5 tỷ USD giảm 9.9% song nhập siêu giảm còn 11 tỷ USD , chiếm 16.5% kim ngạch xuất khẩu ( con sô tưởng ứng của năm 2008 là 18 tỷ USD và 28.8% ).
Tuy nhiên, việc cùng lúc tung ra hai gói kích cầu liên tiếp với tổng giá trị tương đối lớn so với GDP Việt Nam lên tới 10 tỷ USD cũng gây ra rất nhiều hệ quả không mong muốn:
Dù đã đạt được những hiệu quả rất tích cực, nhưng những vấn đề bất ổn vốn có trong nên kinh tế  vẫn chưa được giải quyết tận gốc. Dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, bài học được rút ra quan trọng cho nền kinh tế nước ta là sự bất cập của mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều ngang, chủ yếu dựa vào sự tăng vốn đầu tư, sử dụng lao động rẻ, khai thác tài nguyên thô và gia công hàng xuất khẩu...
Tuy nền kinh tế đã vượt qua "đáy suy giảm", nhưng tốc độ phục hồi còn chậm và đang chịu ảnh hưởng của những biến động của thị trường thế giới, nên sự trì trệ còn có thể kéo dài trong nửa đầu năm 2010. Nhiều doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn, tiếp tục hoạt động trong trạng thái "cầm cự" để tồn tại, lúng túng về hướng kinh doanh, do sức mua của thị trường tăng trưởng chậm. Do đó, cần đề phòng xảy ra tình trạng nền kinh tế phục hồi theo dạng chữ W, nếu có những biến động bất lợi của thị trường thế giới vào thời điểm đầu năm 2010.
   Việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất, tăng dư nợ tín dụng, cùng với việc tăng bội chi ngân sách đang tạo ra nguy cơ gây tái lạm phát trong thời gian tới do độ trễ của vòng quay tiền. Gói kích cầu quá lớn có thể dẫn đến nguy cơ thâm hụt ngân sách. Cho đến nay chưa lường hết "tác dụng phụ" của gói kích thích kinh tế đã và đang áp dụng, nhất là khó kiểm soát vòng quay của nguồn tín dụng ngắn hạn có nguy cơ sử dụng sai mục đích, tạo áp lực lạm phát hoặc tạo "bong bóng" ở những lĩnh vực nhạy cảm với đầu cơ.
Tóm lại, nhờ hai gói kích cầu, kinh tế CN 2009 đã đạt được những thành tựu nhất định, quan trọng hơn cả  là đã xóa bỏ được nguy cơ khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, những tác động mà hai gói kích cầu mang lại có ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế VN 2010, và 2010 liệu có phải là khởi đầu cho một giai đoạn ổn định, bền vững của nền kinh tế Việt Nam ???
IV.  2010– nền kinh tế hồi phục nhưng bóng mây lạm phát bắt đầu xuất hiện bao phủ nền kinh tế
Quý I/2010 nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đà phục hồi của những quý cuối năm 2009 với tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước đạt 5,83%, gấp gần 1,9 lần tốc độ tăng trong quý I/2009. Và sau một năm nhìn lại thì kinh tế VN 2010 thực sự có sự phục hồi ấn tượng:
-         Mặc dù chịu tác động mạnh bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ khá cao và cải thiện dần qua các quý. GDP trong 9 tháng đầu năm tăng 6.52%, và dự báo có thể đạt được mức tăng 6.7% cho cả năm 2010.
-         Công nghiệp được xem là mảng tỏa sáng trong bức tranh kinh tế năm 2010 với phục hồi ấn tượng. Khu vực công nghiệp và xây dựng 9 tháng năm 2010 tăng 7.29%, cao hơn mức 4.64% của cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trong 11 tháng đầu năm 2010, sản xuất công nghiệp tăng trưởng 13.8%, gần gấp đôi so với mức tăng 7.3% cùng kỳ năm 2009
-         Trong 9 tháng đầu năm tổng đầu tư tăng 19.8%, tỷ lệ Đầu tư/GDP lên tới 44% và ước tính khoảng 42-43% trong năm 2010. Tỷ lệ đầu tư này cao hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á khác, hiện chỉ ở 15-20%. Ước tính năm 2010, vốn đầu tư đóng góp 44.62% cho tăng trưởng và đây là mức đóng góp cao nhất từ trước tới nay

-         Xuất khẩu tăng mạnh bất chấp xuất khẩu dầu thô giảm. Tăng trưởng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ở mức cao, đạt gần 40%
        Bên cạnh sự hồi phục khá ấn tượng thì nền kinh tế VN vẫn còn khá nhiều vấn đề, đặc biệt là hai gói kích cầu với giá trị lớn, trong điều kiện sử dụng vốn chưa hiệu quả và cơ sở hạ tầng hạn chế đã làm bộc lộ những vẫn đề hạn chế của nền kinh tế VN:
-           Nhập khẩu cũng tăng mạnh trở lại do nhu cầu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài làm Thâm hụt thương mại cao và mất cân đối cán cân thanh toán khiến cân bằng nền kinh tế thấp và nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào dòng vốn bên ngoài làm tỷ giá đồng tiền luôn bị biến động mạnh 

-           Nhập khẩu cũng tăng mạnh trở lại do nhu cầu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài làm Thâm hụt thương mại cao và mất cân đối cán cân thanh toán khiến cân bằng nền kinh tế thấp và nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào dòng vốn bên ngoài làm tỷ giá đồng tiền luôn bị biến động mạnh 
-         Năm 2008, thâm hụt thương mại lên tới đỉnh điểm 18 tỷ USD, bằng gần 20% giá trị GDP. Trong năm 2009 và 11 tháng đầu năm 2010, thâm hụt thương mại giảm xuống còn 12.84 tỷ USD và 10.5 tỷ USD.Như vậy, tuy thâm hụt thương mại năm đã giảm xuống so với các năm 2007 và 2008 nhưng đây vẫn là mức rất cao so với quy mô của nền kinh tế Việt Nam.
-            Ngày 10/02/2010, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng tăng thêm 3.3%, đưa mức trần tỷ giá chính thức lên 18,9320 VND/USD + 3%. Ngày 11/02/2011,NHNN tiếp tục phá giá tiền đồng thêm 9.3%, đưa mức tỷ giá chính thức lên 20,693 VND/USD +1%. Nhiều nhận định cũng quan ngại về việc điều chỉnh tỷ giá này sẽ ảnh hưởng tới đà tăng giá của hàng hóa trong nước, vì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hiện nay đã bằng khoảng 1.5 lần GDP và nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu hơn là xuất khẩu.
-            Tiền đồng bị mất giá tổng cộng 11.17% từ tháng 11/2009. Nguyên nhân chủ yếu là tài khoản vãng lai bị thâm hụt lớn, lòng tin vào đồng nội tệ suy giảm và tình trạng đô la hóa nền kinh tế gia tăng. So với các nước trong khu vực, tiền đồng đang bị mất giá mạnh ngay cả khi tính theo tỷ giá chính thức. Cụ thể, VND mất giá hơn 20% so với đồng Yên của Nhật Bản, hơn 17% so với đồng tiền của Thái Lan và Malaysia, gần 8% so với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.
tiền đồng mất giá, long tin của dân chúng vào đồng nọi tệ giảm mạnh, dân chúng không còn muốn gửi tiền vào ngân hàng gây khó khăn cho việc huy động của các ngân hàng. Chính điều này đã làm cho lãi suất không ngừng tăng mạnh.
-         Mặc dù tăng trưởng GDP cao nhưng chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam lại rất thấp. Điều này thể hiện qua hệ số ICOR dự báo lên đến 6.3 lần trong năm 2010, và tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào dòng vốn đầu tư và chi tiêu của khu vực công. Việc tái cơ cấu và nâng cao chất lượng tăng trưởng chưa có nhiều chuyển biến trong năm 2010. Điều này đã gây nên những lo ngại về tính bền vững trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Chỉ số icor quá cao chứng tỏ việc sử dụng vốn của VN chưa đạt được hiệu quả cao.
Do hiệu quả của các gói kích cầu cộng hưởng với các nguyên nhân khác như thiên tai, giá hàng hóa thế giới tăng, vấn đề sử dụng vốn kém hiệu quả…. Áp lực lạm phát  tăng mạnh gây bất ổn trong nền kinh tế. Tính trung bình, lạm phát trong các tháng 9, 10 và 11 năm 2010 tăng mạnh nhất so với cùng kỳ 20 năm gần đây. Lũy kế trong 11 tháng, CPI đã lên tới 9.58% và lạm phát năm 2010 gần như chắc chắn sẽ cao hơn hai con số. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1992 đến nay, ngoại trừ năm 2007 và 2008. Lại một lần nữa, nền kinh tế Việt Nam đứng trước nguy cơ lạm phát, và cũng lại một lần nữa chính phủ lại chuyển mục tiêu từ tăng trưởng kinh tế chuyển hướng sang kiềm chế lạm phát bằng các công cụ đang nắm giữ:
Chính sách tiền tệ thắt chặt: Ngày 5/11, NHNN quyết định điều chỉnh các lãi suất thêm 1%, lãi suất cơ bản lên 9%, lãi suất tái cấp vốn lên 9%, lãi suất tái chiết khấu lên 7%. Động thái này cho thấy NHNN đang sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ để phòng chống lạm phát. Trong thời gian qua, NHNN cũng đã hạn chế cung tiền qua thị trường mở.
Thông tư 13: Thông tư 13 yêu cầu nâng hệ số an toàn vốn tối thiểu CAR từ 8% lên 9%, tăng vốn điều lệ các ngân hàng lên 3000 tỷ và quy định số tiền cho vay không quá 80% huy động được.
        Tuy đã kịp thời đưa ra một số biện pháp  cụ thể nhằm giải quyết tình trạng lạm phát tuy nhiên, kinh tế Việt Nam đã dừng lại ở mức tăng trưởng GDP là 6,78% và tỷ lệ lạm phát ở mức 11,8%. Đây có thể là một kết thúc tương đối thành công cho năm hồi phục của kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, những diến biến của 2010 đã cho chúng ta nhận ra bóng mây lạm phát đang dần bao phủ nền kinh tế Việt Nam và đó chính là thách thức mà chính phủ Việt Nam phải giái quyết trong năm 2011 với bài toán lớn “ LẠM PHÁT”

VII.       V. Kinh tế Việt Nam 2011 và bài toán lớn :” LẠM PHÁT”
Năm 2011, chính phủ đặt mục tiêu chính là kiểm soát CPI cuối kỳ khoảng 7%. Tuy nhiên, với tình trạng lạm phát cao, những bất ổn của nền kinh tế, áp lực tăng tỷ giá, lãi suất và mức giá của hàng hóa trên thế giới thì đây quả là một mục tiêu lớn và khó thực hiện. Để cụ thể hóa quyết tâm đó, ngày 24/2/2011 chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về một số giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2011. Với 6 nhóm giải pháp cụ thể:
-   Thứ nhất, thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước.
-   Thứ hai, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng.
-   Thứ ba, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng.
-   Thứ tư, điều hành giá, điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo
-   Thứ năm, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội.
-   Thứ sáu, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền.
Trong các nhóm giải pháp này, 2 công cụ được chính phủ sử dụng một các triệt để nhất vẫn là chính sách tiền tệ thắt chặt và tài khóa thắt chặt:
-    Chính sách tài khóa: Chỉ đạo phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước 7-8% so với dự toán ngân sách năm 2011 Tạm dừng trang bị mới xe ô-tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng; giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu,...; không bố trí kinh phí cho các việc chưa thật sự cấp bách. Tiết giảm tối đa chi phí hội nghị, hội thảo, tổng kết, sơ kết, đi công tác trong và ngoài nước… Chủ động sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011 của Bộ Tài chính. Giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 xuống dưới 5% GDP. Tham gia các đoàn kiểm tra, rà soát toàn bộ các công trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ đã được bố trí vốn năm 2011, xác định cụ thể các công trình, dự án cần ngừng, đình hoãn, giãn tiến độ thực hiện trong năm 2011. Ngân hàng Phát triển Việt Nam giảm tối thiểu 10% kế hoạch tín dụng đầu tư từ nguồn vốn tín dụng nhà nước
-   Chính sách tiền  tệ: Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan, địa phương trong việc phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát.Tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán.Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan, địa phương trong việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng; ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới.Tăng cường quản lý ngoại hối, thực hiện các biện pháp cần thiết để các tổ chức, cá nhân trước hết là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng khi có nguồn thu và được mua khi có nhu cầu hợp lý, bảo đảm thanh khoản ngoại tệ, bình ổn tỷ giá, đáp ứng yêu cầu ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh và tăng dự trữ ngoại hối.
Nghị quyết 11 đã được thông qua, trở thành kinh chỉ nam cho các quyết định của nền kinh tế. Tuy nhiên, sự biến động bất thường của kinh tế toàn cầu mà tác động to lớn nhất là sự tăng giá các nguyên liệu đầu vào như xăng dầu và mặt hàng nhạy cảm như vàng đã kiến nghị quyết 11 chưa phát huy tác dụng trong ngắn hạn.
-   Niềm tin vào đồng nội tệ ngày càng giảm, nhân dân không còn mặn mà với việc gửi tiền vào ngân hàng làm các ngân hàng khó khăn trong việc tiếp cận vốn, và cách làm hiệu quả nhất để huy động là tăng lãi suất, một cuộc đua lãi suất giữa các NHTM khiến NHNN phải can thiệp bằng cách đặt mức lãi suất trần 14%/năm.
-   Lãi suất phi mã, thị trường chứng khoán sụt giảm, hàng loạt doanh nghiệp kêu cứu, NHNN buộc phải bơm thêm 70.000 tỉ VND cứu TTCK hồi tháng 6, 100.000 tỉ VND tiền cho vay ngoại tệ, tiền “hỗ trợ” các ngân hàng trước áp lực lãi suất, các tập đoàn như Vinashin, EVN, Dung Quất..  và hàng loạt các dự án “trên trời, dưới đất” khác của CPVN (chẳng hạn đề án giáo dục 70.000 tỉ VND)..
ð               Tổng cộng lại, VND được NHNN in ra thị trường liên tục, bất tận, vô hạn định chỉ trong thời gian ngắn, góp phần làm tính trạng lạm phát của VN càng thêm trầm trọng
-   Trước tình hình bất ổn của nền kinh tế thế giới, trong khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở mức thấp, chỉ đạt khoảng 8 tuần nhập khẩu, để tăng dự trữ và củng cố sức mạnh kinh tế, hồi tháng 6, NHNN thông báo đã tung ra 84.000 tỉ để thu mua 4 tỉ USD, đến tháng 7 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết tổng cộng họ đã mua vào tổng cộng trên 6 tỉ USD.  Và biện pháp thể hiện sự quyết tâm can thiệp thị trường tiền tệ của chính phủ chính là quyết định cấm trao đổi USD trên thị trường tự do. Việc thu gom một lượng lớn USD và bơm thêm hàng chục nghìn tỉ ra thị trường càng làm đồng nội tệ bị rớt giá.
-   Trong năm 2010 giá điện tăng 6.8% từ 01/3/2010, giá xăng dầu điều chỉnh tăng 6.5% (tổng cộng 2 lần), than bán cho ngành điện tăng từ 28 – 47%. Đầu năm 2011 tiếp tục tăng  giá điện thêm 15,3% (từ 01/03/2011), giá xăng dầu thêm 18% (24/0202011).sự tăng giá của xăng và điện làm cho những cố gắng kìm chế lạm phát cảu CPVN  khó có thể phát huy tác dụng.
-   Giá Vàng biến động với những diến biến khó lường, đặc biết, trong thời gian gần đây, giá vàng tăng đột ngột đã khiến một lượng tiền lớn trong các ngân hàng được người dân chuyển sang đầu tư vàng. Việc dân chúng rút một lượng tiền lớn để đầu tư vàng đã đe dọa tính thanh khoản của các NHTM, đẩy các NH vào tình trạng vô cùng khó khăn. Hơn thế nữa, giá vàng tăng giảm khó lường làm nền kinh tế Việt Nam trở nên bất ổn hơn bao giờ hết. Nhằm bình ổn giá vàng trong nước, cuối tháng 8, NHNN đã chấp nhận bỏ ra một khoản ngoại tệ lớn để nhập khảu 5 tấn vàng trong khi giá vàng đang ở mức cao.


Hiện nay lạm phát đang là vấn đề quan tâm hàng đầu ở Việt Nam qua 6 tháng đầu năm với mức lạm phát 13,29%, đến hết tháng 7 đã tăng lên 14,61%. Kiềm chế lạm phát trở thành mục tiêu hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam

CPI qua các tháng đầu năm 2011. Nguồn: GSO



Chỉ số gía tiêu dùng(CPI) tháng 7(1.17%) đột ngột tăng trở lại sau hai tháng giảm tốc, cao hơn mức độ 1,09% của tháng trước nâng mức tăng chung của 7 tháng đầu năm lên hơn 14,6%, tăng hơn 22,16% so với cùng kì,  trong khi hiện nay Trung Quốc lạm phát 6,4%, Thái Lan 4%, Indonesia 5,5%, Philippines 4,7%.
Và đến thời điểm này, dường như nghị quyết 11 đã bắt đầu phát huy tác dụng, nền kinh tế đã dần đi vào ổn định hơn so với những tháng đầu năm, lạm phát đã bắt đầu chậm lại, tốc độ tăng giá CPI tháng 9 chỉ còn khoảng 0.8%, thấp nhất trong 9 tháng đầu năm. Lãi suất ngân hàng đã bắt đầu hạ nhiệt, lãi suất huy động được NHNN kiên quyết giữ trần ở mức 14% và lãi suất cho vay chỉ còn khoảng 17 – 19%. Và vẫn còn 3 tháng nữa trước  khi năm 2011 khép lại, dù đã xuất hiện những dấu hiệu chuyển biến tích cực của nền kinh tế nhưng phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ lạm phát năm 2011 sẽ  vẫn ở mức 2 con số dự báo tỷ lệ lạm phát sẽ giảm dần nhưng liệu Việt Nam có lại rơi vào một cuộc khủng hoảng mới tương tự tình trạng cuối năm 2008 – đầu 2009, tất cả vẫn còn là ẩn số.

VI.Lời kết
Giai đoạn từ 2008 đến 2011 và sẽ còn kéo dài trong những năm tiếp theo có thể coi là giai đoạn nhiều sóng gió nhất đối với nền kinh tế Việt Nam kể từ khi bước sang thế kỷ 21. Bài toán lớn “lạm phát” luôn là một bài toán khó, và cái khó nhất chính là ở chỗ chúng ta chỉ có thể lựa chọn hoặc là chấp nhận lạm phát để tăng tưởng, hoặc là chấp nhận đi chậm lại để kìm chế lạm phát. Với việc quá chú trọng đến tốc độ tăng trưởng, Việt Nam đã phải trả giá, nền kinh tế Việt Nam đã phải hứng chịu những tổn thất nặng nề. Điểm hạn chế lớn nhất của chính phủ Việt Nam chính là việc quá lạm sức mạnh của mình để can thiệp vào nền kinh tế, quá lạm dụng các công cụ tiền tệ, tài khóa và các gói kích cầu mà chưa đánh giá được hết những vẫn đề còn tồn tại, quá tập chung vào việc hồi phục trong ngắn hạn, giải quyết bất ổn, đạt được mục tiêu đề ra với tốc độ nhanh nhất, mà chưa suy xét kỹ đến hệ quả trong dài hạn, quá chú trọng đến tốc độ tăng trưởng nhưng chất lượng tăng trưởng lại chưa cao, gây nhiều tác dụng phụ. Liệu sau năm 2011, kinh tế Việt Nam sẽ đi đến đâu, sẽ trở lại đúng quỹ đạo tăng trưởng bền vững hay lại rơi vào một giai đoạn bất ổn kế tiếp, tất cả vẫn đang là một câu hỏi lớn. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm đã tích lũy được, chúng ta nên tin tưởng và hi vọng Chính phủ VN sẽ tìm ra hướng đi phù hợp, kinh tế Việt Nam sẽ đứng vững trước sự cạnh tranh khốc liệt của các thế lực kinh tế bên ngoài.




Các bạn có thể down slide thuyết trình tại đây.

No comments:

Post a Comment