Chủ đề thảo luận:
NỢ CÔNG NHẬT BẢN
Nguyễn Thị Duyên –HVNH-K13
I- Tìm hiểu về nợ công
1.Khái niệm:
- Nợ chính phủ, còn gọi là Nợ công hoặc Nợ quốc gia, là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay.
- Việc đi vay này là nhằm tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách nên nói cách khác, nợ chính phủ là thâm hụt ngân sách luỹ kế đến một thời điểm nào đó. Để dễ hình dung quy mô của nợ chính phủ, người ta thường đo xem khoản nợ này bằng bao nhiêu phần trăm so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
2. Phân loại:
Nợ chính phủ thường được phân loại như sau:
§ Nợ trong nước (các khoản vay từ người cho vay trong nước) và nợ nước ngoài (các khoản vay từ người cho vay ngoài nước).
§ Nợ ngắn hạn (từ 1 năm trở xuống), nợ trung hạn (từ trên 1 năm đến 10 năm) và nợ dài hạn (trên 10 năm).
3. Các hình thức vay nợ của chính phủ
- Phát hành trái phiếu chính phủ:
Chính phủ có thể phát hành Trái phiếu chính phủ để vay từ các tổ chức, cá nhân. Trái phiếu chính phủ phát hành bằng nội tệ được coi là không có rủi ro tín dụng vì Chính phủ có thể tăng thuế thậm chí in thêm tiền để thanh toán cả gốc lẫn lãi khi đáo hạn. Trái phiếu chính phủ phát hành bằng ngoại tệ (thường là các ngoại tệ mạnh có cầu lớn) có rủi ro tín dụng cao hơn so với khi phát hành bằng nội tệ vì chính phủ có thể không có đủ ngoại tệ để thanh toán và ngoài ra còn có rủi ro về tỷ giá hối đoái.
- Vay trực tiếp
Chính phủ cũng có thể vay tiền trực tiếp từ các ngân hàng thương mại, các thể chế siêu quốc gia (ví dụ: Quỹ Tiền tệ Quốc tế)... Hình thức này thường được Chính phủ của các nước có độ tin cậy tín dụng thấp áp dụng vì khi đó khả năng vay nợ bằng hình thức phát hành trái phiếu chính phủ của họ không cao.
4. Các vấn đề gặp phải khi tính toán nợ chính phủ
- Lạm phát
Chỉ tiêu thâm hụt ngân sách khi tính toán thường không điều chỉnh ảnh hưởng của lạm phát vì trong tính toán chi tiêu của Chính phủ, người ta tính toán các khoản trả lãi vay theo lãi suất danh nghĩa trong khi đáng lẽ chỉ tiêu này chỉ nên tính theo lãi suất thực tế. Do lãi suất danh nghĩa bằng lãi suất thực tế cộng với tỷ lệ lạm phát, nên thâm hụt ngân sách đã bị phóng đại. Trong những thời kỳ lạm phát ở mức cao và nợ chính phủ lớn thì ảnh hưởng của yếu tố này rất lớn.
- Tài sản đầu tư
Nhiều nhà kinh tế cho rằng tính toán nợ chính phủ cần phải trừ đi tổng giá trị của tài sản chính phủ. Điều này cũng đơn giản như khi xử lý tài sản của cá nhân: khi một cá nhân vay tiền để mua nhà thì không thể tính anh ta đã thâm hụt ngân sách bằng số tiền đã vay mà phải trừ đi giá trị của căn nhà. Tuy nhiên khi tính toán theo phương pháp này lại gặp phải vấn đề những gì nên coi là tài sản của chính phủ và tính toán giá trị của chúng như thế nào, ví dụ: đường quốc lộ, kho vũ khí hay chi tiêu cho giáo dục...
- Các khoản nợ tiềm tàng
Nhiều nhà kinh tế lập luận rằng tính toán nợ chính phủ đã bỏ qua các khoản nợ tiềm tàng như tiền trợ cấp hưu trí, các khoảnbảo hiểm xã hội mà chính phủ sẽ phải chi trả cho người lao động hay các khoản mà chính phủ sẽ phải chi trả khi đứng ra bảo đảm cho các khoản vay của người có thu nhập thấp mà trong tương lai họ không có khả năng thanh toán... 1565
5. Tác động của nợ chính phủ
- Về tính trung lập của nợ chính phủ
Có hai quan điểm chính về việc nợ chính phủ có tác động đến nền kinh tế hay không.
+ Quan điểm truyền thống cho rằng biện pháp cắt giảm thuế được bù đắp bằng nợ chính phủ kích thích tiêu dùng và làm giảm tiết kiệm quốc dân. Sự gia tăng tiêu dùng làm tăng tổng cầu và thu nhập quốc dân trong ngắn hạn nhưng dẫn đến khối lượng tư bản ít hơn (do đầu tư giảm) và thu nhập quốc dân thấp hơn trong dài hạn.
+ Quan điểm Barro-Ricardo lại cho rằng biện pháp cắt giảm thuế được bù đắp bằng nợ chính phủ không kích thích chi tiêu ngay cả trong ngắn hạn vì không làm tăng thu nhập thường xuyên của các cá nhân mà nó chỉ làm dịch chuyển thuế từ hiện tại sang tương lai. Các cá nhân dự tính rằng, hiện giờ chính phủ giảm thuế và phát hành trái phiếu bù đắp thâm hụt, thì đến một thời điểm trong tương lai chính phủ sẽ lại tăng thuế để có tiền trả nợ hoặc in tiền để trả nợ (mà hậu quả là lạm phát tăng tốc); do đó, người ta tiết kiệm hiện tại để có tiền đóng thuế trong tương lai hoặc mua hàng hóa và dịch vụ sẽ lên giá.
Hai quan điểm nói trên tuy khác nhau nhưng cùng xuất phát từ hành vi của người tiêu dùng và do vậy khi áp dụng cần nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng.
- Về hiệu suất của tác động từ nợ chính phủ tới tăng trưởng kinh tế
Trong những năm gần đây, hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng trong dài hạn một khoản nợ chính phủ lớn (tỷ lệ của nó so với GDP cao) làm cho sự tăng trưởng của sản lượng tiềm năng chậm lại vì những lý do sau:
§ Nếu một quốc gia có nợ nước ngoài lớn thì quốc gia đó buộc phải tăng cường xuất khẩu để trả nợ nước ngoài và do đó khả năng tiêu dùng giảm sút.
§ Một khoản nợ công cộng lớn gây ra hiệu ứng thế chỗ cho vốn tư nhân: thay vì sở hữu cổ phiếu, trái phiếu công ty, dân chúng sở hữu nợ chính phủ (trái phiếu chính phủ). Điều này làm cho cung về vốn cạn kiệt vì tiết kiệm của dân cư đã chuyển thành nợ chính phủ dẫn đến lãi suất tăng và các doanh nghiệp hạn chế đầu tư.
§ Nợ trong nước tuy được coi là ít tác động hơn vì trên góc độ nền kinh tế là một tổng thể thì chính chủ chỉ nợ công dân của chính nước mình, tuy vậy nếu nợ trong nước lớn thì chính phủ buộc phải tăng thuế để trả lãi nợ vay. Thuế làm méo mó nền kinh tế, gây ra tổn thất vô ích về phúc lợi xã hội.
Ngoài ra, còn có một số quan điểm cho rằng việc chính phủ sử dụng công cụ nợ để điều tiết kinh tế vĩ mô sẽ không có hiệu suất cao vì có hiện tượng crowding out (đầu tư cho chi tiêu của chính phủ tăng lên).
§ Chính phủ muốn tăng chi tiêu công cộng để kích cầu thì phát hành trái phiếu chính phủ. Phát hành thêm trái phiếu chính phủ thì giá trái phiếu chính phủ giảm, thể hiện qua việc chính phủ phải nâng lãi suất trái phiếu thì mới huy động được người mua. Lãi suất trái phiếu tăng thì lãi suất chung của nền kinh tế cũng tăng. Điều này tác động tiêu cực đến động cơ đầu tư của khu vực tư nhân, khiến họ giảm đầu tư. Nó còn tác động tích cực đến động cơ tiết kiệm của người tiêu dùng, dẫn tới giảm tiêu dùng. Nó còn làm cho lãi suất trong nước tăng tương đối so với lãi suất nước ngoài, dẫn tới luồng tiền từ nước ngoài đổ vào trong nước khiến cho tỷ giá hối đoái tăng làm giảm xuất khẩu ròng. Tóm lại, phát hành trái phiếu tuy có làm tăng tổng cầu, song mức tăng không lớn vì có những tác động phụ làm giảm tổng cầu.
§ Nếu coi việc nắm giữ trái phiếu chính phủ là một hình thức nắm giữ tài sản thì khi chính phủ tăng phát hành trái phiếu sẽ đồng thời phải tăng lãi suất, người nắm giữ tài sản thấy mình trở nên giàu có hơn và tiêu dùng nhiều hơn. Tổng cầu nhận được tác động tích cực từ việc tăng chi tiêu chính phủ (nhờ phát hành công trái) và tăng tiêu dùng nói trên. Tuy nhiên, tăng tiêu dùng dẫn tới tăng lượng cầu tiền. Điều này gây ra áp lực lạm phát, vì thế tác động tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng thực (bằng tốc độ tăng trưởng danh nghĩa trừ tỷ lệ lạm phát).
II- Nợ công Nhật Bản
1.Thực trạng nợ công ở Nhật Bản
Thăm đất nước mặt trời mọc, người ta không thể phát hiện bất cứ dấu hiệu nào cho thấy nơi đây sắp rơi vào khủng hoảng. Lợi tức trái phiếu chính phủ vẫn ở mức thấp, thu nhập bình quân đầu người lại cao chót vót.
Nhưng thực tế, các chính trị gia, các nhà lập pháp Nhật Bản đang tranh cãi gay gắt và âm thầm tìm ra giải pháp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công.
Trong nhiều năm liền giới quan sát từng đưa ra nhiều cảnh báo đáng lo ngại về sự tăng trưởng trì trệ và nợ công chồng chất của Nhật – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trước thời điểm kinh tế toàn cầu trượt vào suy thoái giai đoạn năm 2008 – 2009, suốt 2 thập niên Nhật phải lặn ngụp trong giảm phát. Nhưng bóng ma thiểu phát đã bị che lấp bởi hình ảnh một nền kinh tế tăng trưởng ổn định, mức sống người dân khá cao, lợi suất trái phiếu chính phủ thấp cho thấy rủi ro vỡ nợ công thấp.
Cơn bạo bệnh của Nhật chỉ thực sự bộc phát khi kinh tế toàn cầu chìm sâu vào cuộc khủng hoảng tài chính.
Tính đến cuối năm tài khóa 2009 (kết thúc ngày 31/3/2010), nợ công của Nhật Bản ở mức cao kỷ lục, 882.920 tỷ Yên, tăng 36.430 tỷ Yên so với năm tài khóa trước. Với mức cao như vậy, hiện Nhật Bản là nước “nặng gánh” nhất trong khu vực các nước công nghiệp phát triển.
Số liệu thống kê mới nhất mà Bộ Tài chính Nhật Bản công bố cho thấy, tính đến thời điểm kết thúc tài khóa 2010 (ngày 31/3 vừa qua), nợ công của Nhật Bản đã đạt mức cao kỷ lục 924.000 tỷ Yên (hơn 11,5 tỷ USD). Như vậy, Nợ bình quân đầu người tại Nhật lên tới 7,22 triệu Yên (gần 90.000 USD). Đây là một kỷ lục mới về nợ quốc gia của Nhật Bản. Tốc độ tăng nợ công lên tới 41.000 tỷ Yên trong 1 năm.
Bộ Tài chính báo cáo rằng, trong các khoản nợ quốc gia, trái phiếu Chính phủ chiếm khoảng từ 5.690-7.580 tỷ Yên, các chứng khoán ngắn hạn chiếm khoảng 7.847 tỷ Yên.
Bộ Tài chính Nhật Bản chỉ ra rằng, hoạt động tái thiết sau động đất sẽ cần một số tiền lớn, và đến cuối năm nay, tổng nợ quốc gia dự kiến lên tới hơn 1 triệu tỷ Yên (hơn 12.000 tỷ USD.
Trong năm 2010, tổng nợ công của Nhật Bản gần đến mức 200% GDP, tỷ lệ cao nhất trong các nước công nghiệp phát triển.
Những lo ngại sâu sắc về tình trạng nợ công chồng chất đã gõ cửa Nhật Bản vào ngày 26/1, khi hãng định mức tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) cắt giảm một bậc điểm tín nhiệm đối với trái phiếu chính phủ của nước này
Theo báo cáo tín nhiệm nợ công của S&P vừa công bố, xếp hạng nợ quốc gia dài hạn của Tokyo bị giảm 1 bậc, xuống còn AA-. Một trong những nguyên nhân của việc đánh tụt điểm tín nhiệm nợ này, theo S&P là do các nhà lãnh đạo của Nhật không có chiến lược rõ ràng trong việc giải quyết những thách thức ngày càng lớn về tài khóa.
Đây là lần đầu tiên Nhật Bản bị cắt giảm điểm tín nhiệm nợ công kể từ tháng 4/2002 tới nay. Với điểm số hiện nay, nợ công của Nhật đang được đánh giá ngang bằng về độ tín nhiệm với nợ công của Trung Quốc - nước mới đây đã vượt Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Việc cắt giảm điểm tín nhiệm nợ công của Nhật Bản phản ánh quan điểm của chúng tôi rằng, tỷ lệ nợ công của Nhật - vốn đã ở mức cao nhất trong số các quốc gia được đánh giá - sẽ còn tăng nhanh hơn so với những gì chúng tôi đã dự báo trước khi suy thoái kinh tế toàn cầu tác động đến nước này, và sẽ chỉ đạt đỉnh vào giữa thập niên 2020”, tờ Wall Street Journal dẫn báo cáo của S&P.
2. Nguyên nhân
Ba nhân tố có thể châm ngòi khủng hoảng nợ công tại Nhật là trái phiếu chính phủ, giảm phát và xuất khẩu tăng trưởng ì ạch cả khi kinh tế toàn cầu phục hồi.
- Việc phát hành trái phiếu chính phủ tại Nhật cho tới nay chủ yếu hướng tới người mua là dân chúng trong nước, nhưng người dân càng ngày càng có xu hướng giảm tiết kiệm. Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ngay cả khi tỷ lệ tiết kiệm duy trì như mức hiện nay, thì nợ công vẫn tiếp tục tăng và tới năm 2015 có thể vượt xa tổng tài sản của các hộ gia đình. Khi đó, Nhật sẽ phải huy động vốn từ nước ngoài với chi phí cao hơn. Thậm chí Goldman Sachs cho biết một số nhà đầu tư nước ngoài đã lên kế hoạch sẵn sàng khi khủng hoảng nợ công Nhật Bản xảy ra.
Trong thời kỳ kinh tế “bong bóng” những năm 1986 – 1990, cũng như nhiều đơn vị nắm số lượng lớn trái phiếu chính phủ, Ngân hàng Bưu điện Nhật (JPB) đã có mức thặng dư tài chính khổng lồ. Khi nền kinh tế “bong bóng” tạo đỉnh vào đầu những năm 90, Nhật Bản bắt đầu trượt dài vào khủng hoảng trong nhiều năm sau đó. Kinh tế tăng trưởng ì ạch, nhiều người nắm giữ trái phiếu, đất đai, cổ phiếu lâm vào cảnh khốn đốn khi mà lợi suất thu về thấp hơn nhiều so với lúc đỉnh điểm bong bóng.
Để bảo vệ thị trường trái phiếu, kể từ 1995, Nhật đã để cho đồng yen tăng giá nhằm khuyến khích người dân quay trở lại mua trái phiếu chính phủ. Nhưng điều này buộc Nhật phải chấp nhận hệ quả là sự đình trệ trong tăng trưởng xuất khẩu, do hàng hóa Nhật trở nên kém cạnh tranh hơn so với các nước khác, đặc biệt là Mỹ. Mục tiêu bình ổn thị trường trái phiếu có thể là một trong những lý do lý giải thích tại sao chính quyền Nhật tỏ ra kém tập trung đấu tranh chống giảm phát nền kinh tế. Họ lo sợ hậu quả ngoài ý muốn lên thị trường trái phiếu nếu như giá tiêu dùng tăng cao.
Cuối năm 2008, người Nhật nắm giữ tới 94% trái phiếu chính phủ Nhật. Hơn một nửa tài sản tài chính trị giá 1.400 nghìn tỷ yen của đất nước Phù Tang được tích trữ dưới dạng tiền mặt và gửi ngân hàng (tỷ lệ này ở Mỹ chỉ là 14%). Trong đó, phần lớn được đem đầu tư vào trái phiếu chính phủ thông qua hệ thống ngân hàng.
- Thiểu phát là vấn đề thứ hai cần giải quyết cấp bách tại Nhật hiện nay. Tình trạng giá cả hàng hóa sụt giảm giúp Nhật bán trái phiếu với mệnh giá cao hơn, nhưng lại gây ra giảm phát và đẩy tỷ lệ nợ công trên GDP tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng tại Nhật được hầu hết các chuyên gia kinh tế tin rằng còn tiếp tục giảm hơn nữa trong vòng 5 năm tới.
Mặc dù nhận thấy rủi ro giảm phát kinh tế kéo dài sẽ làm tổn hại tới tăng trưởng kinh tế và chi tiêu, nhưng giới chức Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) không cho rằng nguyên do nằm ở chính sách tiền tệ, thay vào đó đổ lỗi cho năng suất sản xuất thấp, kéo mức lương tại Nhật thấp và đặt áp lực lên nhu cầu chi tiêu hàng hóa và dịch vụ, đồng thời làm tăng nợ công.
Trước đây, Nhật từng mắc bẫy thanh khoản khi tăng gấp đôi lượng cung tiền nhằm cứu nền kinh tế thoát khỏi tình trạng suy thoái do bong bóng bất động sản vỡ đầu thập niên 1990. Đây có thể là bài học kinh nghiệm đáng nhớ mà Nhật biện minh cho quan điểm giảm phát không phải do vấn đề tiền tệ. Thực tế là do sai lầm của BoJ với chủ trương nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm lãi suất nhiều lần và cuối cùng thực hiện “chính sách lãi suất zero”, đã khiến người dân Nhật chuộng nắm giữ tiền mặt nhiều hơn là đầu tư vào trái phiếu hay chứng khoán. Hệ quả là ngân hàng thiếu tiền mặt và không thể cho vay đối với tư nhân, làm cho hoạt động đầu tư tư nhân của Nhật trì trệ trong nhiều năm. Đây chính là nguyên nhân mấu chốt đã kìm hãm tăng trưởng kinh tế Nhật Bản và khiến chính sách tiền tệ trở nên bất lực.
Động thái tăng cung các khoản vay khẩn cấp với thời hạn 3 tháng bằng cách bơm 10 nghìn yên vào hệ thống ngân hàng trong tháng 3 vừa qua, có thể sẽ để lại bài học mang ý nghĩa khác cho BoJ trong nỗ lực hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và kích thích hồi phục nền kinh tế.
- Lý do cuối cùng buộc chặt Nhật vào vũng lầy khủng hoảng là tăng trưởng sau suy thoái vẫn trì trệ, ngay cả khi kinh tế toàn cầu phục hồi. Sự cải thiện trong nhu cầu nước ngoài vẫn không đủ để Nhật lấy lại mức tăng trưởng xuất khẩu ổn định như trước đây.
Trong tương quan so sánh hoạt động sản xuất giữa Nhật và Trung Quốc, có thể ví Trung Quốc như một phân xưởng sản xuất miệt mài của thế giới, còn Nhật Bản chỉ là một phòng thí nghiệm hiện đại mới toanh và là sân sau của phân xưởng sản xuất Trung Quốc. Kể từ khi Trung Quốc leo lên vị thế quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới vào năm ngoái và sau đó dẫn đầu phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu hàng hóa từ Nhật tới Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ. Không phải là camera kỹ thuật số hay các thiết bị công nghệ cao, xuất khẩu của Nhật vào Trung Quốc tăng đáng kể với hàng loạt các sản phẩm như chất dẻo (tăng 150% trong hai tháng đầu năm), hàng hóa làm từ khoáng sản phi kim (tăng 113%), máy xây dựng (tăng 152%), máy dệt (tăng 171%), các bộ phận xe (tăng 144%) và dụng cụ khoa học (tăng 133%).
Ngân hàng JPMorgan tính toán mức tăng trưởng xuất khẩu của Nhật trong suốt 9 tháng qua đạt 3,1%, chủ yếu nhờ vào sự gia tăng nhu cầu từ Mỹ và châu Âu. Mới đây JPMorgan đã cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP quý một của Nhật từ 1,8% lên 3,5%. Tuy nhiên JPMorgan nhấn mạnh sự cải thiện này chưa đủ khi mà suốt 12 tháng trước đó GDP của Nhật ở mức âm.
Nếu như chính phủ Nhật không tìm được biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế hiệu quả, thì nguồn thu ngân sách từ thuế sẽ không đủ để bù đắp thâm hụt nợ công. Báo cáo ngân sách 2010 được cập nhật bổ sung vào ngày 1/4 cho thấy nợ công lần đầu tiên đã lên tới con số 44 nghìn tỷ yen (468 tỷ USD) và cũng là lần đầu tiên vượt nguồn thu từ thuế (37 nghìn tỷ yen).
Bối cảnh giảm phát kéo dài, kinh tế trì trệ và tỷ lệ nợ công trên GDP cao có thể khiến Nhật rơi vào “vết xe đổ” của Hy Lạp và rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công không lối thoát. Điểm khác biệt tích cực duy nhất hiện nay mà giới chức chính phủ Nhật có thể vin vào là lợi tức trái phiếu Nhật chỉ chạm mức cao nhất là 1,4%, trong khi đó Hy Lạp đã tiến cận ngưỡng 8%, cho thấy Nhật vẫn có thể đảo ngược tình thế để tránh nguy cơ vỡ nợ.
- Bên cạnh những giới hạn về phương diện kinh tế, Nhật Bản còn đang gặp một trở ngại không nhỏ đó là vấn đề ổn định trong ban lãnh đạo ở thượng tầng nhà nước. Trong 4 năm vừa qua, Nhật Bản đã 6 lần thay đổi thủ tướng. 2010 là năm đầy sóng gió với chính trường Nhật Bản. Đảng Tự do dân chủ (LDP) đã nắm quyền gần như liên tục trong hơn 50 năm nay đã bị đảng Dân chủ (DPJ) giành lấy chính quyền. Tuy nhiên, trong quá trình điều hành, đảng DPJ lại gần như đạp lên vết xe đổ của LDP.
Thủ tướng Hatoyama trước đây đã bị áp lực rất nhiều vì những phát biểu thất thố cũng như không vận hành nổi đường lối đã đưa ra. Do vậy chỉ sau 9 tháng cầm quyền, ông Hatoyama đã phải từ chức Thủ tướng. Sau đó ông Naoto Kan lên thay thế. Nhưng trong nội bộ đảng, Thủ tướng Kan lại có những mâu thuẫn với ông Ichiro Ozawa, cựu Chủ tịch đảng DPJ.
Về đối ngoại, khu vực Đông Bắc Á trong năm qua đã xảy ra nhiều tranh chấp và biến động. Vị thế của Nhật Bản hiện rơi vào tình thế phức tạp. Trước tình hình chính trị và quân sự tại khu vực, Nhật Bản vẫn phải dựa vào đồng minh thân cận là Mỹ. Nhưng quan hệ của Nhật với Mỹ trong năm qua đã gặp nhiều rắc rối liên quan tới việc di dời căn cứ quân sự trên đảo Okinawa.
Hồ sơ này đã được hai bên bàn thảo trong 12 năm để đi đến quyết định là dời lên khu vực đông bắc cũng của Okinawa. Nhưng đảng DPJ khi ra tranh cử nói rằng sẽ dời căn cứ quân sự của Mỹ ra khỏi Okinawa hoặc ra khỏi Nhật Bản. Vấn đề là ra khỏi nước Nhật thì không biết đi đâu, và dời ra khỏi Okinawa thì không nơi nào nhận. Thành ra chương trình nghiên cứu bấy lâu nay của Nhật bị bỏ lửng, không cách nào giải quyết được.
Có thể nói trong năm 2010, Nhật Bản khá vất vả trong đối ngoại, kể cả với đồng minh quen thuộc là Mỹ và Hàn Quốc, và với Trung Quốc là vụ tranh chấp hải đảo trong suốt mấy tháng gần đây.
3. Một số biện pháp giảm khủng hoảng nợ công được IMF đưa ra:
"Sự cần thiết phải điều chỉnh tài chính sớm đã trở nên cấp thiết ở Nhật Bản”, Cố vấn cao cấp của IMF, James Gordon, phát biểu sau cuộc hội đàm với các quan chức Nhật Bản. Theo ông, các biện pháp nên bao gồm việc tăng dần thuế tiêu dùng từ mức 5% hiện nay.
Trước đó, trong báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu công bố ngày 20/4, IMF đã cảnh báo, mặc dù những nguy cơ đối với sự ổn định tài chính toàn cầu đã giảm bớt do tác động từ quá trình hồi phục kinh tế, nhưng lo lắng về rủi ro nợ ở các nước phát triển có thể hủy hoại những cải thiện về ổn định và kéo dài giai đoạn sụp đổ tài chính.
Báo cáo này đề xuất với 4 biện pháp chính sách bao gồm:
Báo cáo này đề xuất với 4 biện pháp chính sách bao gồm:
- Xử lý thận trọng thâm hụt ngân sách nhằm tránh đẩy cuộc khủng hoảng sang giai đoạn mới.
- Thực hiện tốt chiến lược thoát khủng hoảng, đảm bảo tạo ra một hệ thống tài chính lành mạnh và có quy mô thích hợp để có thể cung cấp nguồn tín dụng cho khu vực tư nhân.
- Triển khai các công cụ tài chính để xử lý hiểm họa từ các nguồn vốn đầu tư mạnh.
- Thúc đẩy cải tổ quy chế, cải thiện thị trường vốn, tăng cường xử lý rủi ro, giảm chi phí cứu trợ các thể chế tài chính.
No comments:
Post a Comment